Sử dụng hình ảnh của website khác không xin phép có vi phạm không?

  • Tác giả: Trần Văn Nam |
  • Cập nhật: 26/06/2023 |
  • Nhãn hiệu |
  • 34 Lượt xem

Các website, mạng xã hội là nơi để mọi người giao lưu, học hỏi. Việc đăng những hình ảnh lên mạng xã hội hay website là điều thường thấy, tuy nhiên nhiều người lấy hình ảnh từ những người khác, những trang web khác có được không? Sau đây, chúng tôi sẽ giúp khách hàng trả lời câu hỏi: “sử dụng hình ảnh của website khác không xin phép có vi phạm không?”

Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

– Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

+ Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

+ Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

– Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh mà không được sự cho phép của người có hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật. Người có hình ảnh trong trường hợp này có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm dừng hành vi của mình, thu hồi, tiêu hủy hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác.

Khi nào sử dụng hình ảnh của người khác không phải xin phép

Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về các trường hợp đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Như vậy, sử dụng hình ảnh của cá nhân hay sử dụng hình ảnh của website khác thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ không phải xin phép.

Xử phạt đối với hành vi sử dụng hình ảnh của website khác không xin phép

Hành vi sử dụng hình ảnh có thể bị phát hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất: Xử phạt hành chính

Mỗi hành vi sử dụng hình ảnh cụ thể sẽ có mức phạt khác nhau:

– Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.”

– Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng

Khoản 1 Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.”

– Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm

Khoản 1 Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Bên cạnh đó, Khoản 1, 2,3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Thứ hai: Xử lý hình sự

Hành vi sử dụng hình ảnh của website khác, người khác không xin phép mà gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.

Trên đây là nội dung bài viết Sử dụng hình ảnh của website khác không xin phép có vi phạm không? của Luật Hoàng Phi, mọi thắc mắc của Quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6557

5/5 - (5 bình chọn)

HOTLINE: 0981.378.999 – 0981.393.686 (HỖ TRỢ 24/7)

CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG LẮNG NGHE HOẶC BẠN CÓ THỂ CLICK VÀO Ô SAU ĐÂY ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ