Bản Quyền Âm Nhạc Là Gì? Thủ Tục Đăng ký Bản quyền âm nhạc

  • Tác giả: Luật Hoàng Phi |
  • Cập nhật: 05/01/2024 |
  • Sở hữu trí tuệ |
  • 383 Lượt xem

Khái niệm bản quyền âm nhạc là gì?

– Định nghĩa âm nhạc

Âm nhạc hay còn gọi là tác phẩm âm nhạc. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

– Định nghĩa bản quyền

Bản quyền được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Thông thường, tác giả có bản quyền đối với tác phẩm của mình kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Như vậy, bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Điều kiện bảo hộ, căn cứ phát sinh, xác lập bản quyền âm nhạc

a. Điều kiện bảo hộ bản quyền

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, tác phẩm âm nhạc được bảo hộ khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

– Phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ;

– Không sao chép từ tác phẩm của người khác;

– Được thể hiện ra bên ngoài bằng những hình thức vật chất nhất định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, nhà nước sẽ không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Vì vậy, nội dung của tác phẩm âm nhạc cũng phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 8.

2. Căn cứ phát sinh, xác lập bản quyền âm nhạc

Theo khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được quy định như sau: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Như vậy, bản quyền âm nhạc được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm ra đời dưới một hình thức vật chất nhất định. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả vẫn có nhiều ưu thế hơn khi có phát sinh những tranh chấp về bản quyền.

3. Nội dung bản quyền âm nhạc

Như phân tích phía trên, bản quyền âm nhạc chính là quyền của tác giả đối với tác phẩm mà mình sáng tác. Do đó, nội dung bản quyền âm nhạc cũng chính là nội dung của quyền tác giả.

Theo quy định tại Điều 18, 19, 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, cụ thể:

* Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

– Đặt tên cho tác phẩm;

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín.

* Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

– Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

– Sao chép tác phẩm;

– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Lưu ý: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

4. Cách xin phép bản quyền âm nhạc

Xin phép bản quyền âm nhạc được thực hiện thông qua thủ tục đăng ký bản quyền.

 Đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo hộ quyền tác giả đối với cá nhân, tổ chức có tác phẩm âm nhạc thỏa mãn các điều kiện được bảo hộ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.

Hệ quả của thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hợp lệ là được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Thủ tục đăng ký bản quyền âm nhạc

Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện theo các bước sau đây:

– Bước 1: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chuẩn bị tờ khai đăng ký (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL) và 01 bộ hồ sơ đăng ký bản quyền âm nhạc (bao gồm các giấy tờ tài liệu theo khoản 2 Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019).

– Bước 2: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả sau khi đã soạn thảo xong bộ hồ sơ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả. Hoặc hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

– Bước 3: Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

– Bước 4: Tiến hành nộp lệ phí theo quy định để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Sau khi có thông báo hồ sơ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ đơn đăng ký cần nộp phí để nhận được giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.

 

5/5 - (4 bình chọn)

HOTLINE: 0981.378.999 – 0981.393.686 (HỖ TRỢ 24/7)

CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG LẮNG NGHE HOẶC BẠN CÓ THỂ CLICK VÀO Ô SAU ĐÂY ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ