Bí mật kinh doanh là gì? Điều kiện đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh

  • Tác giả: Luật Hoàng Phi |
  • Cập nhật: 26/08/2018 |
  • Blog |
  • 2586 Lượt xem

Bí mật kinh doanh là gì?

Thông thường bí mật kinh doanh được hiểu như một thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, được giữ bí mật và có một giá trị kinh tế nhất định bởi nó tạo cho người nắm giữ thông tin một lợi thế trước những đối thủ cạnh tranh. Tồn tại một số thuật ngữ khác nhau có liên quan đến bí mật kinh doanh như “thông tin bí mật” và “thông tin không được tiết lộ”. Thông tin bí mật bao gồm bí mật kinh doanh, thông tin đặc quyền và thông tin không bị tiết lộ khác chưa trở thành đối tượng phải bị tiết lộ công khai không hạn chế theo pháp luật (khoản 1 Điều 2 Chương 2 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kì). Thông tin không được tiết lộ khác như những thử nghiệm hoặc dữ liệu không được tiết lộ nhất định được đệ trình như là điều kiện để phê duyệt việc tiếp thị dược phẩm hoặc các sản phẩm hoá nông có sử dụng các thành phần hoá học mới (Điều 39.3 Hiệp định TRIPs). Như vậy, bí mật kinh doanh là một dạng của thông tin bí mật.

Khái niệm bí mật kinh doanh được quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ như sau: “Bí mật kinh doanh là thông tin kín được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trọn vẹn kinh doanh”

bi-mat-kinh-doang-la-gi

Điều kiện Đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp úng; được các điều kiện sau đây (Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ):

+ Không phải là hiểu biết thông thường hoặc không dễ dàng có được;

+ Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

+ Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Như vậy, bí mật kinh doanh được bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản như:

+ Tính sáng tạo: Các thông tin chứa đựng bí mật kinh doanh không phải là những hiểu biết thông thường hay không dễ dàng có được. Các thông tin này là thành quả của cả quá trình đầu tư tài chính của chủ sở hữu (như tiền bạc đầu tư cho các trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ cho việc nghiên cứu, tiền bạc đầu tư cho việc thuê nghiên cứu, sáng tạo) hay là sự đúc rút của cả quá trình đầu tư trí tuệ (như chủ sở hữu đã dày công tìm tòi, phát hiện, nỗ lực nghiên cứu, thí nghiệm) hoặc là sự kết tụ của cả hoạt động đầu tư tài chính lẫn đầu tư trí tuệ. Nếu một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng sẽ không thể thu được những sự hiểu biết được gọi là bí mật kinh doanh như vậy. Ví dụ, bí mật kinh doanh có thể là công thức hợp chất hoá học, mẫu máy, chiến lược quảng cáo, danh sách những nhà cung cấp hoặc khách hàng… Bí mật kinh doanh không phải là mẩu thông tin đơn lẻ, như thông tin về mức lương của nhân viên. Bí mật kinh doanh phải là quy trình hoặc thiết bị để sử dụng liên tục trong tiến hành công việc kinh doanh. Như vậy, những thông tin được gọi là bí mật kinh doanh bao giờ cũng hàm chứa một lượng tri thức sáng tạo nhất định.

+ Tính hữu ích (hay còn gọi là giá trị thương mại kinh tế của bí mật kinh doanh): Các thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính và trí tuệ đó phải có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Hay nói cách khác, những thông tin này áp dụng được trong hoạt động thực tiễn kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Và khi được sử dụng chúng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó. Thông tin đó phải tạo ra giá trị kinh tế, giá trị thương mại cho người nắm giữ, sử dụng chúng.

Giá trị thương mại của thông tin được xem xét ở 2 góc độ: Thứ nhất, đối với đối thủ cạnh tranh thể hiện ở giá trị kinh tế mà đối thủ cạnh tranh phải trả để có được thông tin đó như đầu tư tài chính, nhân lực (cho nghiên cứu, phát triển) để thu được thông tin đó hoặc số tiền phải trả để có quyền biết và sử dụng thông tin đó một cách hợp pháp; thứ hai, đối với chủ thể nắm giữ thông tin thể hiện ở các giá trị kinh tế cho công việc kinh doanh hiện tại hoặc tạo ra cho mình một lợi thế cạnh tranh (về lợi nhuận và danh tiếng) đối vớicác đối thủ không biết hoặc không sử dụng thông tin đó.

+ Tính bảo mật: Trước tiên, các thông tin đó còn phải tồn tại trong tình trạng bí mật, có nghĩa là những người thường xuyên xử lí loại thông tin đó không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận được thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó. Mỗi thông tin cũng được coi là có tính bí mật nếu như chỉ có phạm vi hạn chế người biết được thông tin đó (như chỉ có những cán bộ quản lí doanh nghiệp, những người được chủ thể nắm giữ thông tin tiết lộ hoặc cho tiếp cận với các cam kết bảo mật cụ thể). Mặt khác, thông tin đó được chủ sở hữu bảo mật bằng cách biện pháp cần thiết. Các biện pháp bảo mật thích hợp được chủ thể nắm giữ thông tin áp dụng như:

  • Biện pháp hạn chế việc biết được hoặc tiếp cận được thông tin: Biện pháp cất giữ thông tin (cất trong két sắt, cất giữ thông tin không theo trật tự vốn có của nó…). Biện pháp chống tiếp cận thông tin (mã hoá thông tin, mã truy cập thông tin…).
  • Biện pháp chống việc bộc lộ thông tin: Kí kết các dạng hợp đồng bảo mật, hợp đồng lao động trong đó quy định trách nhiệm của người được biết hoặc tiếp cận thông tin không được bộc lộ thông tin hoặc khống được tìm cách biết được thông tin mà mình được tiếp cận.

Bên cạnh đó, pháp Luật cũng quy định về các thông tin bí mật không được bảo hộ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh như sau: Các bí mật nhân thân; về quản lí nhà nước về an ninh, quốc phòng các thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh (Điều 85 Luật sở hữu trí tuệ).

Trong số các thông tin bí mật thì “bí quyết kĩ thuật” được đánh giá là một loại thông tin đặc biệt có khả năng đem lại lợi thế kinh tế rất lởn cho người nào nắm giữ được bí quyết kĩ thuật đó. Bí quyết kĩ thuật được hiểu là những quy trình chế tạo, có giá trị thực tiễn hoặc thương mại, được thực hiện trong công nghiệp và được giữ bí mật đối với các đối thủ cạnh tranh.

5/5 - (1 bình chọn)

HOTLINE: 0981.378.999 – 0981.393.686 (HỖ TRỢ 24/7)

CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG LẮNG NGHE HOẶC BẠN CÓ THỂ CLICK VÀO Ô SAU ĐÂY ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ